Lăng Tự Đức – Nét đẹp của kiến trúc thời nhà Nguyễn
Lăng Tự Đức được nhiều người biết đến là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời nhà Nguyễn tọa lạc tại mảnh đất Cố Đô, đây cũng là nơi an nghỉ của vua Tự Đức. Sở hữu khung cảnh non nước hữu tình, thanh tao lại rất đậm chất Nho giáo, Lăng Tự Đức hứa hẹn sẽ là điểm đến gây thương nhớ trong hành trình khám phá xứ Huế.
Lăng Tự Đức nằm ở đâu?
Lăng Tự Đức nằm tại một thung lũng thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, xã Thủy Biều. Hiện nay là Thôn Thủy Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố Huế chỉ 6km. Kiến trúc của Lăng Tự Đức phản ánh rõ nét tính cách của vị vua triều Nguyễn, đầy sự uy nghiêm nhưng vẫn có phần nhẹ nhàng, bay bổng và thơ văn.
Mảnh đất để xây dựng Lăng Tự Đức rộng lên đến 12ha, nổi bật với cảnh vật nên thơ và hữu tình. Nơi đây được chia thành hai khu vực chính bao gồm tẩm điện và lăng mộ. Trong đó có gần 50 công trình lớn nhỏ và hầu hết đều có chữ Khiêm trong tên. Lăng Tự Đức được đánh giá là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của thời nhà Nguyễn.
Giờ mở cửa và giá vé lăng Tự Đức
Giờ mở cửa và giá vé lăng Tự Đức chắc chắn là điều mà nhiều du khách quan tâm. Giá vé vào cổng cụ thể như sau:
- Vé dành cho du khách người Việt Nam: 100.000 VNĐ/người lớn, 20.000 VNĐ/trẻ em.
- Vé dành cho du khách người nước ngoài: 150.000 VNĐ/người.
Lăng Tự Đức giá vé khá phải chăng, phù hợp với cả học sinh – sinh viên khi có mong muốn tham quan công trình kiến trúc này. Giờ mở cửa lăng từ 6h30 – 17h00 vào mùa hè và 7h00 – 17h00 vào mùa đông. Dựa vào khung giờ này, du khách có thể phân bổ thời gian hợp lý cho chuyến ghé thăm các địa điểm du lịch Huế của mình.
Lăng Tự Đức xây dựng năm nào? Lịch sử hình thành lăng
Được mệnh danh là công trình kiến trúc đẹp nhất thời nhà Nguyễn, nơi đây là chốn yên nghỉ của vua Tự Đức – vị vua tại vị lâu nhất trong số 13 đời vua triều Nguyễn. Làm vua trong bối cảnh xã hội khó khăn, giặc ngoại xâm tấn công, huynh đệ trong nhà lục đục, vua Tự Đức để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt này đã cho xây dựng khu lăng tẩm như một cung đình thứ hai. Vậy lăng Tự Đức xây dựng năm nào?
Lăng vua Tự Đức được khởi công vào năm 1864 với sự tham gia của 5 vạn binh lính lúc bấy giờ. Khi mới xây dựng, lăng tẩm có tên là Vạn Niên Cơ, sau đó được đổi tên thành Khiêm Cung. Khi nhà vua băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.
Đến nay, Lăng Tự Đức được xem là một trong 4 lăng tẩm đẹp nhất trên bản đồ du lịch Huế. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đồng thời là một trong những di tích lịch sử đầu tiên tại Việt Nam góp mặt trong bảo tàng số hóa 3D thuộc khuôn khổ dự án Google Arts & Culture.
Chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của lăng Tự Đức
Kiến trúc lăng Tự Đức được xem là đẹp nhất trong hệ thống lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn. Gần 50 công trình trong khu vực lăng Tự Đức ở cả hai bên tẩm điện và lăng mộ. Bao gồm: Cửa Vụ Khiêm, Khiêm Cung Môn, điện Lương Khiêm… Đặc biệt, tất cả tên gọi của những công trình này đều chứa chữ “Khiêm” – mang ý nghĩa là cung kính, nhún nhường – một trong những đức tính được các nhà Nho thời bấy giờ coi trọng.
Lăng Tự Đức nổi bật với 5 phân khu, cụ thể như sau:
Khiêm Cung Môn
Khiêm Cung Môn là công trình hai tầng dạng vọng lâu, là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi ghé lăng Tự Đức. Chính giữa là phần điện Hòa Khiêm. Hai bên tả, hữu lần lượt là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu.
Điện Lương Khiêm
Nằm phía sau điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm hiện nay là nơi thờ vong linh Từ Dũ – mẹ vua Tự Đức. Nằm phía bên phải điện là Ôn Khiêm Đường. Nơi đây là địa điểm lưu giữ những ngự dụng thời xa xưa.
Nhà hát Minh Khiêm
Nếu như nằm bên phải điện Lương Khiêm là nơi lưu giữ, phía bên trái chính là nhà hát Minh Khiêm. Đây là khu vực nhà vua thường lui tới để thưởng hát. Hiện nay, địa điểm này được xem như một trong những nhà hát cổ nhất tại Việt Nam. Đồng thời cũng là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ vua triều Nguyễn.
Đảo Tịnh Khiêm
Đảo Tịnh Khiêm nằm giữa hồ Lưu Khiêm. Nơi đây hiện lên với cảnh sắc thơ mộng, trong trẻo đầy lãng mạn. Khu vực này được sử dụng để trồng hoa và là nuôi giữ một vài các loài động vật quý hiếm.
Ngoài ra, xung quanh khu vực đảo còn có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là địa điểm ngắm hoa, làm thơ, đọc sách… thường được vua chúa ghé thăm.
Khu lăng mộ
Rời khỏi khu vực tẩm điện, du khách men theo con đường dần dẫn đến khu vực lăng mộ. Di chuyển đến Bái Đính, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng hai hàng tượng quan viên văn võ sừng sững. Ngay phía sau là Bi Đình với tấm bia đá nặng hơn 20 tấn khắc bài Khiêm Cung Ký của nhà vua soạn thảo. Đây được xem là cuốn tự truyện của nhà vua về chính cuộc đời đầy khổ hạnh của mình.
Xem thêm:
Lăng Khải Định – đỉnh cao kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn
Sông Hương – Sự thật về tên gọi của dòng sông di sản