Chùa Thiên Mụ được xây dựng vào năm nào?

Nhắc đến những ngôi chùa cổ kính nổi tiếng xứ Huế, không thể bỏ qua Chùa Thiên Mụ. Với niên đại hàng trăm năm và kiến trúc tuyệt đẹp, Chùa Thiên Mụ, Huế chưa từng đánh mất sức hút với du khách quốc tế và nội địa.

Bạn Biết Gì Về Chùa Thiên Mụ Huế?

Thành phố Huế – cố đô xinh đẹp và hiền hòa này là nơi quy tụ nhiều di tích, chùa chiền nổi tiếng của Việt Nam. Ngôi chùa cổ nhất ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan là chùa Thiên Mụ. Chùa Thiên Mụ tọa lạc giữa vùng quê hữu tình và là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa. Vẻ đẹp của ngôi chùa được tạo nên từ sự tổng hòa của giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh và nghệ thuật. Chùa Thiên Mụ được xếp vào danh sách những điểm đến không thể bỏ qua ở Huế.
Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601.
Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả Đại Hồng Chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg). Năm 1715, Chúa lại cho xây dựng thêm một tấm bia đá thanh cao 2,6m, rộng 1,25m đặt trên lưng một con rùa làm bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m.
Hai công trình kiến trúc chính của chùa là Tháp Phước Duyên và Điện Đại Hùng. Tháp Phước Duyên hình bát giác cao 7 tầng, 21m, mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn; Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ; ngoài bức tượng Phật bằng đồng trong điện còn có vô số tượng và một khánh đồng đúc năm 1677; một bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.
Từ ngày xây dựng cho đến nay ngôi chùa đã được trùng tu 8 lần (1665, 1714, 1815, 1831, 1844, 1899, 1907, 1957). Qua những lần trùng tu, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghiêm, huy hoàng, tráng lệ.
Di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia (Kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 1964-QĐVH/TT  ngày 27/8/1996 của Bộ Văn hóa và Thông tin.

Sự tích Dân Gian về Chùa Thiên Mụ?

Tên chùa gắn liền với truyền thuyết của người dân địa phương. Chuyện kể rằng trên đỉnh đồi Hà Khê thường xuất hiện một cô gái với trang phục có hai màu trắng và đỏ. Cô gái nói với người dân rằng có một anh hùng hảo hán đến vùng đất này, sẽ dựng đền thờ ngay trên núi để hội tụ phong thủy mạnh mẽ của thiên nhiên, thu hút dũng sĩ, hiền tài, tích cực giúp dân tộc phát triển.
Năm 1601, khi chúa Nguyễn Hoàng đến vùng này và được nghe truyền thuyết. Ông đã cho dân xây dựng chùa như câu nói của cô gái đó. Ông tin rằng cô gái đó là người trời nên gọi chùa là Thiên Mụ hay Bà Chúa Trời. Sau đó, một số người còn gọi là chùa Linh Mụ (chùa Thánh Bà) nhưng Thiên Mụ vẫn là tên nổi tiếng của chùa này.

Chùa Thiên Mụ nằm ở đâu?

Chùa tọa lạc trên con đường Nguyễn Phúc Nguyên, đỉnh đồi Hà Khê, thuộc phường Hương Long, bờ Bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 5km. Nó chính thức được thành lập vào triều đại của chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên của nước Nam.

Hướng dẫn cách đi Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ – Huế cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây, nên chỉ mất khoảng 10 phút di chuyển là tới nơi. Bạn có thể lựa chọn phương tiện ô tô, xe máy hoặc xích lô để di chuyển và đường đi cũng khá dễ dàng. Từ Kinh Thành Huế, bạn đi qua đường Đặng Thái Thân rồi rẽ trái qua đường Yết Kiêu, đi thêm một đoạn nữa, rẽ trái qua đường Lê Duẩn. Gặp vòng xuyến bạn rẽ phải vào đường Kim Long, tiếp tục đi thêm 2 km nữa là tới chùa Thiên Mụ.
Bên cạnh việc lựa chọn di chuyển bằng đường bộ tới chùa Thiên Mụ, bạn cũng có thể lựa chọn các tour di chuyển bằng tàu trên sông Hương. Tàu sẽ xuất phát từ cầu Tràng Tiền rồi đi qua các điểm tham quan và dừng chân tại chùa Thiên Mụ trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Những lưu ý khi đi tham quan Chùa Thiên Mụ?

Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan chùa Thiên Mụ là khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2. Thời tiết ở Huế lúc này mát mẻ và vô cùng dễ chịu, thích hợp để du khách tham quan và vãn cảnh chùa.
Khi đến tham quan chốn linh thiêng như đền chùa, bạn nên chú ý mặc trang phục lịch sự, kín đáo.
Không nói to, gây ồn ào hay nói tục chửi bậy trong khuôn viên chùa để không làm ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh, thiêng liêng của chùa.

Kiến trúc Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ là một quần thể nhiều công trình kiến trúc bề thế và đẹp mắt, mang nét kiến trúc đặc sắc của cố đô Huế. Những công trình kiến trúc tiêu biểu phải kể đến như: Điện Đại Hùng, Tháp Phước Duyên, Điện Quan Âm,… Tất cả tạo nên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng cho ngôi chùa. Đây cũng là nơi lưu trữ nhiều cổ vật quý giá như những bức hoành phi, những câu đối cổ, bức tượng cổ, bia đá và chuông đồng, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang giá trị nghệ thuật rất lớn.

Cổng Tam Quan Chùa Thiên Mụ

Cổng Tam Quan là cổng chính dẫn vào chùa với cấu trúc 2 tầng, 8 mái và có 3 lối đi. Tại mỗi lối qua cổng đều có cửa ván bằng gỗ, hai bên đặt những bức tượng hộ pháp chấn giữ. Bước qua cổng Tam Quan bạn sẽ được chiêm ngưỡng 12 tác phẩm điêu khắc những người bảo vệ đền thờ khổng lồ bằng gỗ.

Tháp Phước Duyên

Đi vào trong chùa, công trình đầu tiên xuất hiện trước mắt bạn là ngọn tháp hình bát giác tên là tháp Phước Duyên, một biểu tượng tiêu biểu gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp được xây dựng vào năm 1844, cao 21m, gồm 7 tầng, mỗi tầng thờ một đức Phật khác nhau. Bên trong tháp có một cầu thang hình xoắn ốc dẫn từ tầng thấp nhất lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.

Điện Đại Hùng

Đây là ngôi chính điện trong chùa Thiên Mụ và là một công trình kiến ​​trúc nguy nga. Trong lần tu bổ năm 1957, toàn bộ cột, kèo, rường, bệ… đều được xây lại bằng bê tông và phủ một lớp sơn giả gỗ. Ngoài tượng Phật bằng đồng, ở đây còn có một pho tượng lớn bằng đồng được khắc hình mặt nguyệt với dòng chữ cho thấy pho tượng này do Trần Đình Ân hiến cho chùa. Bên trong chùa có tượng Phật Di Lặc. Người ta nói rằng Phật có tai để nghe nỗi khổ của thế gian, bụng bao dung độ lượng thế gian, miệng rộng để cười thế gian.
Cách xa nơi đặt tượng Di Lặc là ba vị Phật ở chính giữa điện. Hai bên là Bồ Tát và Phổ Hiền. Đi dọc theo con đường phía sau vườn có phòng trưng bày ảnh và chiếc xe của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu năm 1963 để phản đối chế độ đàn áp Phật giáo. Tiếp đến là lăng mộ của sư Thích Đôn Hậu – Ông là phó chủ tịch Hội Phật giáo Yêu nước thời chống Mỹ và có công trong việc chấn hưng Phật giáo ở Huế cũng như ở Việt Nam.

Khu mộ tháp cố hòa thượng Thích Đôn Hậu

Phía cuối khuôn viên chùa là khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu. Nơi đây được xây dựng để thờ vị chủ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ – vị sư Thích Đôn Hậu, người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho những hoạt động ích đạo giúp đời. Khu mộ cũng có tòa tháp cao 7 tầng, nhưng quy mô nhỏ hơn tháp Phước Duyên.
Ngoài ra chùa Thiên Mụ còn có những công trình kiến trúc khác như Đình Hương Nguyện, Điện Địa Tạng, Điện Quán Âm.

Trên đây là những thông tin hữu ích về ngôi Chùa Thiên Mụ.

Nếu còn thắc mắc nào khác, quý khách vui lòng liên hệ Hue Logistics để được tư vấn và hỗ trợ nhé.

Xem thêm:

Dịch vụ chuyển phát nhanh từ Huế đi Mỹ giá rẻ

Dịch vụ gửi cơm cháy chà bông đi Thuỵ Sĩ uy tín, giá rẻ